8,800,000đ
11,800,000đ
49,000,000đ
9,900,000đ
17,900,000đ
7,200,000đ
5,000,000đ
Cách trồng đậu cove leo- Chia sẻ tuyệt chiêu giúp đậu cove sai trĩu
Đậu cove có hàm lượng dinh dưỡng cao và là một trong các món rau củ ngon, có vị ngọt mát, rất dễ ăn. Trên thị trường hiện nay, giá đậu cove khá cao thường dao động khoảng 20 ngàn đồng/kg và được người tiêu dùng ưa chuộng, mua về chế biến trong bữa ăn hàng ngày. Do nhu cầu thị trường lớn và giá thành cao, xu hướng lựa chọn giống cây trồng này luân canh đang gia tăng. Cùng tìm hiểu cách trồng đậu cove leo và nắm được các kĩ thuật giúp đậu cove sai trĩu cho năng suất cao. Mời bà con tham khảo.
Chuyên gia chia sẻ cách trồng đậu cove leo đúng kĩ thuật
Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh để trồng đậu cove
- Nhiệt độ: Đây là giống cây ưa ấm, không chịu được nhiệt độ cao, cũng không chịu được rét hại. Hạt đậu có thể nảy mầm ở nhiệt độ rất thấp từ 8 -10 độ, nhiệt độ thích hợp nhất cho quá trình nảy mầm diễn ra thuận lợi từ 25 -30 độ. Dải nhiệt độ cho cây sinh trưởng và phát triển khá rộng, từ 18 -30 độ, nhiệt độ tối ưu từ 20 -25 độ.
- Ánh sáng: Đậu cove là giống ưa ánh sáng, phát triển tốt nhất khi thời lượng chiếu sáng từ 10 -13 tiếng/ngày
- Nước: Khi hạt nảy mầm, bà con cần tưới lượng nước bằng 100 -110% trọng lượng hạt. Trồng đậu cove leo sinh trưởng và phát triển tốt khi đất đạt độ ẩm 70 -80%. Nếu tưới thiếu nước, cây sinh trưởng kém, thân lá còi cọc, rụng nụ, rụng hoa nhiều, quả nhỏ, tỉ lệ đậu quả giảm, năng suất thấp và còn ảnh hưởng tới ngoại hình của quả đậu và độ rắn chắc của quả.
- Độ ẩm: Độ ẩm không khi thích hợp nhất trong khoảng 65-75%. Độ ẩm cao dễ phát sinh dịch bệnh, độ ẩm thấp khiến cây mau mất nước, thân lá khô héo.
- Đất: Đậu là cây dễ trồng dễ sinh trưởng và phát triển tốt với nhiều loại đất. Bà con nên trồng ở đất có những đặc điểm sau để cho năng suất cao nhất: đất nhẹ, tơi xốp, thông thoáng, giàu dinh dưỡng, pH 6 - 6,5.
Giống đậu cove
Trên thị trường có rất nhiều giống đậu cove khác nhau, tuy nhiên bà con nên chọn một số giống đã được lai tạo cho năng suất và chất lượng cao, cây kháng sâu bệnh tốt, chịu được điều kiện khắc nghiệt và thời gian gieo trồng ngắn như: cove Thái – Chiatai, TN 282, TN 106. Bà con rất dễ dàng tìm mua tại những cửa hàng cung cấp giống cây trồng hoặc các trung tâm khuyến nông.Tham khảo thêm: Máy gieo hạt đậu tiện lợi, thẳng hàng, đều nhau tăm tắp.
Thời vụ gieo trồng đậu cove
Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu vùng miền để lựa chọn trồng đậu cove ở các thời điểm khác nhau, bà con chú ý tham khảo điều kiện sinh trưởng để lựa chọn thời điểm gieo trồng phù hợp nhất tại địa phương. Thông thường ở nước ta, có thể trồng đậu cove leo nhiều vụ trong năm, nhưng chính vụ là vụ Đông – Xuân gieo vào tháng 11-12 dương lịch.
Chuẩn bị đất trồng đậu cove
Đất cần làm sạch cỏ, bón vôi, rồi tiến hành cày đất, phơi ải từ 7-10 ngày giúp đất tơi xốp hơn, tăng pH, diệt trừ mầm bệnh và nấm có trong đất.
Làm luống: Bà con lưu ý đất cần cày bừa và băm nhỏ để đảm bảo đất tốt nhất để trồng đậu, có thể sử dụng máy xới đất đa năng hỗ trợ làm nhỏ đất tốt hơn và đều hơn. Sau khi đất được cày bừa kĩ, bà con vun luống. Tùy vào hình thức trồng mà lên luống cho phù hợp.
Đối với với trồng thâm canh có sử dụng màng phủ: Nếu trồng hàng đôi, lên luống cao 25-30cm, mặt luống rộng từ 1-1,2m; hai hàng trên luống cách nhau 70-80 cm, các cây cách nhau 20-25cm, mỗi hốc gieo 2 hạt. Nếu trồng hàng đơn, lên luống cao từ 20 -30cm, mặt luống rộng 50-60 cm, mỗi luống cách nhau 1,2-1,4m, các cây cách nhau 20-22cm, mỗi hốc gieo 2 hạt.
Đối với trồng trên đất không đậy màng phủ: Lên luống rộng 1,1-1,2m, cao 15-30cm, chứa mương tưới nước rộng 40-50cm. Mỗi luống cách nhau 60-70cm, mỗi hốc gieo 2 hạt, các hốc cách nhau 20-25cm. Sử dụng 1-1,5 kg hạt giống cho 500 mét vuông.
Bón lót: Trộn vôi, supe lân, phân hữu cơ đã ủ hoai mục và thuốc trừ sâu Basudin 10G hoặc Visa 5G đều lên rồi đánh rãnh, rải phân vào ránh và lấp đất lên.
Phủ bạt và đục lỗ (áp dụng đối với trồng thâm canh có sử dụng màng phủ): nên chọn loại có khổ 1 mét, dùng lạt tre cố định bạt để tránh bạt bay, ảnh hưởng tới rễ cây non. Đục lỗ bạt, nên sử dụng 1 trong 2 cách đơn giản sau để tiết kiệm thời gian. Cách 1: dùng ống nhựa PVC phi 60 cắt hình răng cưa rồi dùng lực ấn mạnh xuống để bục lớp bạt và tạo lỗ tròn. Cách 2: lấy vỏ hộp sữa đặc, đục lỗ ở đáy lon, phía trên đục rỗng miệng, bỏ than nóng và dầu hòa vào trong và đốt lửa rồi chạm đáy lon vào bề mặt bạt sẽ tạo lỗ tròn.
Kĩ thuật gieo trồng đậu cove
Xử lý hạt giống
Ngâm hạt đậu cove trong nước ấm theo tỉ lệ 2 nước sôi: 3 nước lạnh trong 4-6 tiếng rồi vớt ra, rửa thật sạch và ủ trong khăn vải 1 ngày đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
Lưu ý khi xử lý hạt giống: Không được sử dụng khăn ủ quá ướt hoặc quá khô sẽ làm tăng nguy cơ hỏng hạt, giảm tỉ lệ nảy mầm. Hạt sau khi nứt nanh phải đem gieo trồng hết ngay trong ngày, không để rễ mọc dài, đem gieo sẽ dễ bị gãy. Trong trường hợp chiều tối muộn, không có khả năng gieo luôn, bà con cần tãi hạt ra và không được tưới nước để hạn chế tốc độ ra rễ.
Xới nhẹ lỗ trồng, bỏ 2 hạt giống vào 1 hốc rồi phủ lớp đất mỏng lên. Nếu trồng đậu cove leo hạt trắng, bà con cần 1,5 -1,7 kg giống/sào; nếu sử dụng đậu cove leo lion seeds thì cần 1,8-2 kg/sào.
Làm giàn trồng đậu cove
Làm giàn giúp đậu cove có chỗ bám, leo lên đón ánh nắng mặt trời để sinh trưởng và phát triển tốt. Có 4 cách làm giàn theo kiểu: chữ I; chữ A; chữ U; chữ X. Bà con nên làm giàn theo kiểu chữ U và chữ A để dễ thu hoạch và thuận tiện chăm sóc giàn đậu. Bà con thường sử dụng cây sậy để làm giàn và có thể tái sử dụng 2-3 vụ, nhiều nơi tận dụng cuống lá dừa thay sậy.
Chăm sóc cây đậu cove leo
Làm cỏ: làm sạch cỏ trên luống, dưới rãnh và xung quanh vườn để tránh cạnh tranh nước và chất dinh dưỡng với cây đậu. Bà con nên làm cỏ trước khi bón phân và kết hợp với đất tạo độ thoáng khí.
Tưới nước: trong cách trồng đậu cove leo, bà con cần tưới nhiều nước lúc rộ hoa trái, nên sử dụng phương pháp tưới thấm để cây hấp thụ lượng nước nhiều nhất vì thời điểm này cây cần lượng nước lớn. Thiếu nước khiến đậu phát triển kém, cho quả nhỏ, quả mau già, nhiều sơ, giảm năng suất và mau héo. Vào giai đoạn bón thúc, bà con tưới lượng nước vừa đủ, tránh làm trôi phân và để hòa tan được hết lượng phân bón. Mùa nắng nên tưới nước vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, đảm bảo duy trì độ ẩm trong đất từ 70-75%. Mùa mưa có thể không tưới hoặc tưới ít đi. Nếu mưa to cần phải tưới rửa đọt do bị dính đất.
Tỉa hạt: khi tỉa hạt vào luống kết hợp đồng thời tỉa hạt vào bầu để trồng dặm, đảm bảo đủ mật độ và phân bố đều trên diện tích trồng, tránh lãng phí đất.
Bón phân cho đậu cove
Lượng phân bón phía dưới khuyến nghị sử dụng trên diện tích gieo trồng đậu cove 1 hecta cho 1 vụ. Bà con sử dụng: 30 - 40 mét khối phân chuồng đã ủ hoai mục; 800-1000 kg vôi bột; 1 tấn phân hữu cơ vi sinh; 105 kg N – 90kg P2O5 – 200kg K2O (khối lượng nguyên chất). Bà con có thể chuyển phân bón hóa học sang phân đơn hoặc phân NPK tương đương: 228 kg Ure -562,5 kg supe lân – 333 kg KCl hoặc 600kg NPK (15:15:20)- 33 kg Ure- 133 kg KCl. Lượng bón cho mỗi đợt như sau:
Bón theo cách 1:
Hạng mục | Tổng số | Bón lót | Bón thúc | ||
Lần 1:
10 ngày sau gieo |
Lần 2: 20-25ngày sau gieo
|
Lần 3: 40-55ngày sau gieo
|
|||
Phân chuồng hoai | 30-40 m3 | 30-40 m3 | |||
Vôi | 800 - 1.000 kg | 800 - 1.000 kg | |||
Ure | 228 kg | 78 kg | 30 kg | 50 kg | 70 kg |
Lân super | 562,5 kg | 562,5 kg | |||
KCl | 333kg | 133kg | 50 kg | 150 kg | |
Hữu cơ vi sinh | 1.000 kg | 1.000 kg |
Bón theo cách 2:
Hạng mục | Tổng số | Bón lót | Bón thúc | ||
Lần 1:
10 ngày sau gieo |
Lần 2: 20-25ngày sau gieo
|
Lần 3: 40-55ngày sau gieo
|
|||
Phân chuồng hoai | 30-40 m3 | 30-40 m3 | |||
Vôi | 800 - 1.000 kg | 800 - 1.000 kg | |||
Ure | 33 kg | 33 kg | |||
KCl | 133 kg | 63 kg | 70 kg | ||
Hữu cơ vi sinh | 1.000 kg | 1.000 kg | |||
NPK 15-15-20 | 600 kg | 150 kg | 50 kg | 150 kg | 250 kg |
Lưu ý: bà con có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá vi lượng và phun theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì.
Phòng trừ sâu bệnh trên đậu cove leo
Bệnh chết héo cây con
Triệu chứng: Bệnh thường gặp ở giai đoạn cây con, làm gốc thân tóp lại khiến cây dễ chết.
Điều kiện phát bệnh: Bệnh tồn tại sẵn trong hạt giống nhiễm bệnh. Mưa nhiều, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Sử dung giống sạch bệnh có nguồn gốc rõ ràng, hạt giống được xử lý trước khi trồng, luân canh cây trồng;
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất sau để phòng trừ: Chitosan (Tramy 2 SL); Copper citrate (Heroga6.4SL); Cytokinin (Etobon 0.56SL); Kasugamycin (Kamsu 2SL, 4SL); Ningnanmycin (Niclosat 2SL, 4SL, 8SL); Validamycin (Vali 3 SL); Ningnanmycin (Diboxylin 4SL, 8SL); Cucuminoid 5% + Gingerol 0.5% (Stifano 5.5SL)
Bệnh đốm vi khuẩn
Triệu chứng: Bệnh gây ra các đốm cháy rộng trên lá, trên trái đậu có những đốm nhỏ xanh nhạt, nhũn nước; sau đó chuyển màu nâu và khô đi, quả hình dạng bất thường.
Điều kiện phát bệnh: Bệnh phát sinh và gây hại nặng khi thời tiết có độ ẩm cao làm đốm bệnh lây lan rất nhanh.
Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, thu gom lá và quả sau khi thu họach.
- Biện pháp hóa học: Hiện nay, do chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ đối tượng này, có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc BVTV sau: Champion 77WP, Coc 85WP, Kasumin 2SL, New Kasuran, Canthomil.
Bệnh đốm lá
Triệu chứng: Đốm bệnh có dạng tròn đến hơi có góc cạnh với tâm màu nâu, viền xung quanh màu nâu đỏ trên lá; bệnh gây hại nhiều trên đậu Lima và đậu đũa hơn trên đậu cove. Đốm bệnh gây bệnh có màu nâu hoặc màu rỉ sét, hình dạng và kích thước không đều; thường xuất hiện trên thân hoặc trái chín.
Điều kiện phát bệnh: Mầm bệnh tồn tại trong hạt giống, trên tàn dư cây bị nhiễm bệnh còn sót lại ở ruộng trồng.
Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn trồng, khi thu hoạch cần thu gom tiêu hủy tàn dư lá, quả bệnh;
- Biện pháp hóa học: Hiện nay, do chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ đối tượng này, có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc BVTV sau: Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP, Fulhumaxin 5.15SC, 5.65SC); Carbendazim 490g/l kết hợp Hexaconazole 10g/l (V-Tvil 500SC); Mancozeb (Manozeb 80 WP); Chlorothalonil (Daconil 75WP).
Bệnh gỉ sắt
Triệu chứng: Bệnh xuất hiện chủ yếu trên lá, có khi xuất hiện trên thân, cành và quả. Trên lá vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu trắng bạc, về sau vết bệnh hơi lồi lên, trên vết bệnh có lớp bột màu nâu. Lá bị bệnh co rúm lại, nếu bị nặng lá chuyển vàng và rụng. Trên thân, quả: Triệu chứng bệnh cũng có những đốm nhỏ hơi gồ lên và phủ một lớp bột màu nâu vàng. Cây bị bệnh sinh trưởng kém, lá và hoa bị rụng, quả ít.
Điều kiện phát bệnh: Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, cây trồng ít được chăm bón.
Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, thu gom tàn dư từ vụ trước, trồng giống chống bệnh.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Copper Oxychloride + Kasugamycin (New Kasuran 16.6WP); Tham khảo sử dụng một số hoạt chất: Carbendazim, Hexaconazole
Bệnh phấn trắng
Triệu chứng: Bệnh hại chủ yếu trên lá, vết bệnh là những đốm lớn không có hình dạng nhất định, trên mặt có lớp phấn màu trắng, sau lan rộng gần hết bề mặt lá sau chuyển màu nâu vàng. Bệnh nặng làm lá khô vàng và rụng.
Điều kiện phát bệnh: Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp 20-260C, bệnh tồn tại và lây lan chủ yếu ở dạng bào tử.
Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn trồng, thu gom tàn dư cây trồng, bón phân cân đối để cây phát triển tốt, tăng cường bón phân kali.
- Biện pháp hóa học: Hiện nay, do chưa có thuốc BVTV đăng ký để phòng trừ, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Chlorothalonil (Daconil 75WP, 500SC); Citrus oil (MAP Green 3SL)
Phòng trừ dịch hại tổng hợp khi trồng đậu cove
Biện pháp canh tác kỹ thuật:
- Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa các lá già vàng úa và đem đi tiêu hủy, luân canh cây trồng khác họ.
- Chọn giống đậu cove khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt. giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được xử lý trước khi gieo trồng
- Chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây.
- Bón phân đủ và hợp lý, chia đều theo các giai đoạn đã hướng dẫn phía trên, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai mục.
- Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp xử lý nhanh, triệt để và thích hợp đối với sâu, bệnh
Biện pháp sinh học:
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…
- Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh
Biện pháp vật lý:
- Sử dụng bẫy màu vàng, bôi các chất bám dính: dùng nhựa thông nấu trộn với nhớt xe thải theo tỉ lệ 4/6, bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng.
- Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5 -1,8 m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang
Biện pháp hóa học:
- Khi sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc) và nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, phun khi bệnh chớm xuất hiện
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau:
- Không sử dụng loại thuốc có trong danh mục cấm sử dụng cho rau
- Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người
- Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc) để diệt trừ sâu bệnh khi trồng đậu cove leo
- Đảm bảo thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch
Thu hoạch đậu cove
Sau khi gieo trồng đậu cove từ 50-60 ngày, bà con có thể thu hoạch. Nên thu hoạch đúng lúc quả đậu cove có màu xanh mượt, chưa rõ vệt hạt, nếu để quá sẽ làm quả già, giảm chất lượng thương phẩm.
Trên đây, khomay3a.com vừa chia sẻ tới bà con cách trồng đậu cove leo. Chúc bà con áp dụng đúng kiến thức và thu được năng suất cao nhất từ loại cây trồng này.
Công ty CPĐT Tuấn Tú
- Địa chỉ: Số 2, Ngõ 2, Đường Liên Mạc, P. Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Hotline : 02422050505 – 0945796556 - 0984930099
- Email: khomay3a@gmail.com
- Website: https://khomay3a.com
- Fanpage: https://web.facebook.com/Congtycpdaututuantu